Nhiếp ảnh cơ bản Part 1 – Khẩu độ của ống kính máy ảnh
Khẩu độ máy ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lượng ánh sáng và khả năng xóa phông của ống kính. Khi chúng ta điều chỉnh tăng giảm khẩu độ, máy ảnh sẽ tự điều chỉnh bằng cách đóng mở các lá khẩu bên trong.
Khẩu độ máy ảnh được ký hiệu là F, ví dụ F/1.4, F/2, F/8…. Một số nơi có thể bỏ dấu gạch, chỉ còn lại F2, F8. Thông số F của khẩu độ sẽ được thể hiện trên màn hình LCD hoặc kính ngắm khẩu độ. Số F càng nhỏ, khẩu độ máy ảnh mở càng lớn, ánh sáng đi vào càng nhiều và ngược lại.
Thường khi nhắc đến khẩu độ, người ta nói F/1.4, F/2 là khẩu độ lớn, còn F/11, F/16 là khẩu độ nhỏ.
Khẩu độ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu ứng của một bức hình, đặc biệt là độ phơi sáng Exposure. Đơn giản hơn, khẩu độ giúp máy ảnh điều chỉnh độ sáng trong khi chụp ảnh.
Khi ống kính mở khẩu độ lớn, cảm biến sẽ nhận được nhiều ánh sáng hơn, hình ảnh chụp ra sẽ có độ sáng hơn. Ngược lại khi khép khẩu, lượng ánh sáng vào cảm biến ít hơn làm ảnh tối đi. Vì vậy, một kinh nghiệm khi chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng là bạn nên mở khẩu độ máy ảnh lớn hết cỡ để máy ảnh thu được nhiều lượng ánh sáng nhất có thể.
Độ sâu trường ảnh – Depth of Field
Ngoài việc tác động đến độ sáng của bức ảnh, khẩu độ còn trực tiếp tác động đến độ sâu trường ảnh (depth of field – dof) Độ sâu trường ảnh
Độ sâu trường ảnh – Depth of Field sẽ quyết định vùng rõ nét của một bức hình. Một bức ảnh được coi là mỏng khi ảnh chỉ lấy nét ở vùng có chủ thể chính, còn lại tất cả những yếu tố về hậu cảnh, tiền cảnh… sẽ được làm mờ nhòe đi, hay còn được gọi là chụp hình xóa phông.
Còn một bức ảnh được coi là dày là khi bức hình được lấy nét toàn bộ tự đối tượng chính đến phối cảnh. Điều này có liên quan đến khẩu độ: Khẩu độ càng lớn thì độ sâu trường ảnh mỏng, ảnh được xóa phông nhiều hơn, khẩu độ nhỏ cho hiệu ứng xóa phông ít hơn, nhưng hình ảnh sắc nét và có chiều sâu.
Đây cũng chính là lý do vì sao khi chụp ảnh chân dung người ta thường mở khẩu độ lớn, đặc biệt chúng còn có thể tạo ra hiệu ứng Bokeh tuyệt đẹp. Còn chụp ảnh phong cảnh thì người ta mở khẩu độ nhỏ để lấy nét được nhiều chi tiết.
Hai yếu tố bị ảnh hưởng bởi khẩu độ đó là độ phơi sáng và độ sâu trường ảnh. Đây cũng là yếu tố quyết định để lựa chọn khẩu độ trong từng tình huống. Khi tăng khẩu độ, hình ảnh sẽ sáng hơn, tăng khả năng xóa phông, nên sử dụng trong trường hợp bạn đang chụp ảnh chân dung. Còn khi giảm khẩu độ, ảnh giảm độ sáng hơn nhưng chụp được chi tiết hình ảnh, rất phù hợp khi chụp hình phong cảnh, kiến trúc, nội thất…
Nhưng điều đó không có nghĩa khi bạn giảm khẩu, hình ảnh sẽ không có đủ độ sáng. Bạn hoàn toàn có thể chỉnh thêm thông số dải ánh sáng ISO để bù sáng cho hình ảnh.
Khẩu độ máy ảnh là yếu tố bắt buộc phải cân nhắc trước khi chụp một bức ảnh. Mong rằng những thông tin cơ bản trên đây sẽ giúp bạn hiểu được phần nào về khẩu độ F trên máy ảnh.
Tác Giả Anh Tú